Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

NGŨ UẨN



Giáo lý nhà Phật luôn trình bày hai chân lý: chân lý thế gian hay tục đế (sammuti sacca) và chân lý xuất thế gian hay chân đế (paramattha sacca). Theo tục đế, chúng ta nói về một chúng sanh. Theo chân đế, không có một "chúng sanh" mà chỉ có sự hiện hửu và sự thay đổi không ngừng của hai năng lực, thân và tâm, còn được biết dưới danh từ chuyên môn là sắc (thân - rupa) và danh (tâm - nama). Thân và tâm là sự tổng hợp của năm uẩn thay đổi không ngừng: Sắc uẩn thuộc về thân, Thọ-Tưởng-Hành-Thức uẩn thuộc về tâm.
* Sắc Uẩn (rupakkhandha) gồm có bốn chất (tứ đại) thường gọi là đất, nước, lửa, gió. Tứ đại diển tả bốn tính chất tạo ra hình tướng sự vật là chất cứng, chất lỏng, chất nóng và chất di động.
- Chất cứng (pathavi) có đặc tính chiếm một khoảng không gian. Vì có chất cứng nên ta nhìn thấy đất, cây cỏ hay biển hồ, vì có chất cứng nên ta thấy sự vật lớn nhỏ, nặng nhẹ, cứng mền v.v. Trong thân ta, chất cứng biểu hiện qua da, thịt, xương, các bộ phận và các cơ quan.
- Chất lỏng (apo) là chất kết hợp có đặc tính làm cho các chất khác dính lại. Chính nhờ đặc tính nầy sự vật có hình dáng. Trong thân ta, chất lỏng biểu hiện qua máu, nước mắt, nước tiểu, đàm, giải v.v.
- Chất nóng (tejo) là nhiệt độ nóng lạnh của vật chất. Sự sống của vạn vật tùy thuộc chất nầy. Chúng ta cảm thấy hơi nóng mỗi khi thấy có sự co dản các chất. Trong thân ta, chất nóng mang lại nhiệt độ trong cơ thể để giử sự sống.
- Chất gió (vayo) di chuyển có tính cách tương đối vì di chuyển đối với vật đứng yên. Thật ra, không có vật nào đứng yên hoàn toàn vì các nguyên tử trong vật chất di chuyển mau chậm không ngừng. Trong thân ta, chất gió thô là hơi thở. Chất gió vi tế là luồng sinh lực luôn di chuyển trong cơ thể.
Bốn chất tứ đại hợp lại tạo thành sắc uẩn là hình tướng vạn vật. Khi nhìn vào một vật, ta chấp vào hình tướng, rồi bám víu vào đó, tin tưởng vật ấy hay người ấy hiện hữu độc lập. Ðó là ảo tưởng thế gian. Khi nhìn một vật, người có trí tuệ phân tích đây là biểu tượng của sắc uẩn, thấy rỏ sự kết hợp tương đối của bốn chất đất-nước-gió-lửa di động không ngừng trong vật ấy. Khi sắc uẩn còn duyên hợp gọi là sự sống. Khi sắc uẩn hết duyên hợp, các chất tứ đại tan rã gọi là chết. Người đó thấy có sự kết hợp của sắc uẩn nhưng không có một chất gì riêng biệt độc lập để bám víu vào. Ðó là thấy thực tướng tánh không của sắc uẩn.
* Thọ Uẩn (vedanakkhandha) là cảm xúc trước sự vật bên ngoài. Có ba loại thọ: khoái lạc, đau khổ và vô ký (không khoái lạc, không đau khổ). Thọ phát sinh khi hội đủ ba điều kiện:
- có giác quan (căn) để cảm nhận;
- có sự vật bên ngoài (trần);
- có ý thức (thức) để ghi nhận.
Mỗi người có thể kinh nghiệm thọ khác nhau về một đối tượng. Một vật tạo khoái cảm cho người nầy có thể phiền toái cho người kia vì không có thọ cảm tuyệt đối cho mọi người. Ðôi khi thọ vui cho căn nầy lại là thọ đau khổ cho căn khác. Thí dụ mùi phó-mát khó ngửi nhưng ăn ngon. Khi áp đặt thọ cảm của mình đối với sự vật lên người khác, ta đang tạo đau khổ cho người khác.
* Tưởng Uẩn (sannakkhandha) là sự nhận biết (samjanana) về các trần. Có sáu loại tưởng liên hệ đến căn (mắt, tai, mũi, lưới, thân, ý) và trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Khi thức thấy sự vật, cùng lúc đó, tưởng nhận biết sự vật qua sự so sánh. Tưởng tạo ra hình ảnh để ta ghi nhớ sự vật, tạo ra kỷ niệm, mộng tưởng. Tưởng thường làm chúng ta hiểu sai lầm về hình ảnh ghi nhận bên ngoài. Thí dụ, nhà nông để người bù nhìn trong cánh đồng, chim chóc tưởng người thật nên không đến ăn thóc. Ðó là ảo tưởng do tưởng uẩn mang lại. Ðức Phật đã so sánh tưởng với ảo giác.
Sống với cái tưởng sai lạc lâu ngày, ta chấp vào hình tướng dựa trên cái tưởng đó, lấy giả làm thật và khó nhận ra thực tướng của sự vật. Kinh Suttanipata dạy:
Người không bị tưởng trói buộc,
Người nầy được tự do.
Người phát sinh thiền quán,
Ảo tưởng sẽ chấm dứt.
Người chấp vào ảo tưởng,
Có cái nhìn sai lầm,
Vô minh sống phóng túng.
* Hành Uẩn (samkharakkhandha) là tổng hợp của các tâm sở có tác ý, thúc đẩy ta hành động tạo nghiệp. Có sáu loại hành liên quan đến sáu căn.
* Thức Uẩn (vinnanakkhandha) là khả năng nhận biết là nơi các tâm sở phát sanh. Thức uẩn là nguồn gốc của ý và làm chủ điều khiển các uẩn trên. Thức uẩn thường gọi tắt là Tâm.
Thức không phải linh hồn độc lập có tự tánh riêng, đối nghịch với vật chất. Thức cũng không thường còn, bất biến, không phải là "tự ngã hay cái ta".
Nhiều người nghĩ có một tự ngã độc lập thường còn nằm trong cơ thể, chuyển từ xác thân nầy qua xác thân khác. Quan niệm nầy không đúng chân lý. Trong Kinh Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh). Ðức Phật giảng cho tỳ khưu Sati như sau: "Nầy Sati! Như Lai giảng nhiều lần ngoài các điều kiện không có thức". Thức phát sanh khi có căn và trần. Ngoài ra thức không có tự tánh độc lập bất biến. Ðây là tánh không của thức.
Tất cả thế giới là một khối cảm thọ. Khi năm căn đụng với năm trần, thức phát sanh. Sự phát sanh nầy rất vi tế. Vì thọ, tưởng, hành và thức uẩn luôn luôn xoay vần, tô mầu sự vật bên ngoài nên tâm thấy sự vật không đúng ý như sự vật đang xảy ra. Ðây là nguồn gốc vô minh.
Tóm lại, chúng ta có năm uẩn, không có uẩn nào thường còn. Tất cả luôn biến chuyển. Sự thay đổi nầy dựa trên nguyên tắc khoa học là tất cả sự vật phát sanh từ điều kiện duyên hợp, sẽ thay đổi băng hoại, không thường còn. Cái gì vô thường là khổ não.
Có người chỉ trích quan niệm vô thường khổ não của Ðức Phật bi quan yếm thế. Sự thật khác hẳn. Ðức Phật không những chỉ ta bệnh khổ, ngài còn dạy ta con đường chấm dứt khổ. Lời dạy của Ðức Phật là ánh sáng của an vui và hy vọng.
Ðức Phật thấy đau khổ là đau khổ, hạnh phúc là hạnh phúc. Ngài khuyên nhủ con người phải biết từ bỏ ái dục vì thế gian chỉ là màn kịch, sớm hay muộn gì chúng ta cũng bất toại nguyện. Ngài rất thực tế, không bi quan hay lạc quan. Ngài khuyên chúng ta phải biết khước từ lối nhìn thông thường trong đời sống, không bám víu vào sự vật và để cho sự việc tự nhiên trôi chảy. Ðiều nầy không phải dể, tuy nhiên nếu cố gắng, có thể thực hiện được. Ðức Phật khuyên dạy đệ tử không nên sầu não mà phải phát tâm phỉ, là một động lực của giác ngộ.
Gánh nặng là năm uẩn
Hạnh phúc thay khi bỏ gánh nặng của năm uẩn!
Vui thay không sầu não!
Hạnh phúc thay hào quang của chư thiên!
Người nào thấy rỏ bản chất của sự vật, người ấy vô cùng hạnh phúc. Hành giả tu Phật là người nhận đúng thực tướng của sự vật. Khi đương đầu với cảnh sanh-lão-bệnh-tử, người không tu sẽ đau khổ trước các điều kiện thăng trầm vì thấy sự vật sai lạc, khác với những gì họ chờ mong. Người hiểu Pháp có thể giử tâm bình thản.
Một người mẹ được hỏi sao không khóc than trước cái chết của đứa con yêu dấu. Bà trả lời: "Không mời đến, nó đến. Không mời đi, nó lại đi. Khóc than có ích lợi gì?
Tâm xả là pháp hay nhất trị bệnh bi quan hay lạc quan. Tâm xả là tâm quân bình, không phải tâm xả bỏ, lãnh đạm. Tâm quân bình là tâm không xao động trước được-mất, khen-chê, v.v. Ðó là tâm an nhiên tự tại, không bị lay động trước những điều kiện thế gian. Tâm nầy sẽ dẫn đến giác ngộ và giải thoát luân hồi.
Hạnh phúc tối thượng không thể có trong các uẩn có điều kiện. Chúng ta vui vẻ sung sướng hôm nay nhưng sẽ đau khổ ngày mai. Khoái lạc không tồn tại mãi mãi. Trong hạnh phúc thế gian đã có mầm đau khổ, bất toại nguyện. Người không thấy điểm tế nhị nầy bị ảo tưởng đánh lừa nên bám chặc vào thế gian. Tất cả thế giới hửu vi đều thay đổi và dẫn đến đau khổ. Khổ-Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ không bao giờ tự nó chấm dứt. Hãy dùng nội tâm suy xét kỷ mọi việc thế gian, chúng ta sẽ thấy rõ chân lý khổ não nầy.

Trích: Con đường cổ xưa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét